Không đề cập đến những kỹ năng khô cứng mà một người lãnh đạo cần có, “Dare to Lead” của Brené Brown sẽ cùng bạn khám phá cách họ suy nghĩ, cảm nhận và hành xử khi đối mặt với những khó khăn.
Brené Brown là giáo sư nghiên cứu tại Đại học Houston, chuyên nghiên cứu về lòng dũng cảm và sự thấu cảm. Bài nói chuyện của bà về “The Power of Vulnerability” đã có hơn 50 triệu lượt xem và là một trong năm chủ đề TED Talks được xem nhiều nhất.
Tổn thương để lột xác
Điều gì có thể khiến bạn tổn thương?
Bà Brené Brown đã đặt câu hỏi này cho hàng nghìn người trong nhiều năm. Câu trả lời thường gặp là: những ngày sau khi ly hôn, những ngày đầu khởi nghiệp, hoặc là khi bị sa thải. Có thể thấy, sự tổn thương là một cảm xúc phổ biến của con người. Mỗi người cảm nhận được điều đó khi bộc lộ bản thân với người khác hoặc khi trải qua những thời điểm đầy khó khăn và mơ hồ.
Thực tế, không phải lúc nào chúng ta cũng nhìn nhận rõ ràng về những “vụn vỡ” của chính mình. Việc trải qua những thương tổn vốn là trải nghiệm không mấy dễ chịu. Nhưng theo tác giả: “Bạn không thể có được lòng can đảm mà không chiến đấu với sự tổn thương”.
Năm 2014, bà Brené có cơ hội diễn thuyết trước hàng trăm binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm. Bà đã kết thúc bài phát biểu của mình bằng một câu hỏi: “Sự tổn thương là loại cảm xúc xuất hiện khi chúng ta trải qua những giai đoạn mơ hồ, nguy hiểm. Ai có thể cho tôi ví dụ về lòng can đảm mà không phải đối mặt với sự tổn thương?”. Sau một hồi im lặng, một binh sĩ lên tiếng: “Không thưa bà! Ba năm ở chiến trường, tôi vẫn chưa nhìn thấy một hành động dũng cảm mà không phải đối mặt với tổn thương to lớn”.
Sự tổn thương không chỉ là cảm xúc cần thiết để hình thành nên lòng can đảm mà còn là nền tảng cho sự đổi mới và sáng tạo của con người. Bởi vì, không gì mơ hồ hơn quá trình sáng tạo. Thực tế, bạn cũng không biết chắc rằng ý tưởng của bạn có thành công không. Nói trắng ra, bạn sáng tạo thì có thể bạn sẽ thất bại, không chỉ một mà có khi là rất nhiều lần.
Rủi ro của sự thất bại và sự không chắc chắn là bạn có thể bị tổn thương. Một xã hội đánh đồng “cảm xúc tổn thương” với “sự yếu kém” sẽ khiến nhiều người e dè đổi mới. Bởi vì, một khi sợ thất bại, chúng ta sẽ khó mà đề xuất những ý tưởng mới.
Giá trị cốt lõi là mỏ neo của những lãnh đạo táo bạo
Ngày nay, nhiều người xem môi trường làm việc không khác gì một đấu trường. Họ luôn cảm thấy mình như đang trong một cuộc chiến khiến họ phải đổ mồ hôi, nước mắt và (thậm chí) cả máu. Và khi đối mặt với quá nhiều áp lực và căng thẳng, nhiều người lựa chọn giơ tay xin hàng để mau chóng thoát khỏi đấu trường.
Vậy làm sao chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh để tiếp tục? Câu trả lời nằm ở giá trị cốt lõi của mỗi cá nhân. Khi bạn thấy mình đang gục ngã, các giá trị cốt lõi sẽ là thứ thúc đẩy bạn quay trở lại và tiếp tục cố gắng.
Bà Brené Brown đã nghiên cứu nhiều nhà lãnh đạo và thấy rằng những người can đảm nhất là những người hiểu giá trị của bản thân. Họ luôn theo đuổi những giá trị rõ ràng. Những giá trị đó là “kim chỉ nam” soi đường cho họ trong thời kỳ tối tăm. Nhờ vậy, họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn.
Vậy giá trị của bạn là gì? Bạn có thể kể ra một loạt các giá trị, nhưng hãy gạn lọc hai điều quan trọng nhất. Bởi một danh sách dài cho thấy thực ra bạn chẳng có sự ưu tiên nào. Đó chỉ là một danh sách được liệt kê để khiến bạn cảm thấy dễ chịu thôi. Vậy nên hãy chọn ra hai giá trị quan trọng và gần gũi với bạn nhất. Đó sẽ là “kim chỉ nam” giúp bạn đi đúng hướng, nhất là những lúc khó khăn. Riêng Brené Brown, bà lựa chọn hai giá trị then chốt là lòng can đảm và tính trung thực.
Niềm tin – một yếu tố quan trọng trong mối quan hệ công việc
Hầu hết mỗi người đều tự cho rằng bản thân mình hoàn toàn đáng tin cậy. Nhưng thực tế, chúng ta lại chỉ tin tưởng được một số người mà thôi.
Để giải quyết vấn đề về sự tin tưởng, chúng ta cần tự hỏi bản thân: Thực sự thì tin tưởng có nghĩa là gì? Bà Brené Brown và nhóm nghiên cứu của mình đã đi sâu tìm hiểu về bản chất của sự tin tưởng và xác định bảy hành vi làm nên lòng tin. Bà Brown gói gọn 7 hành vi này chỉ bằng một từ – BRAVING.
- B (Boundaries – Ranh giới): Bạn tôn trọng ranh giới của người khác. Nếu bạn và đối phương vẫn mơ hồ về ranh giới của nhau thì đừng ngần ngại làm rõ bằng cách đặt câu hỏi.
- R (Reliability – Sự tin cậy): Để có được sự tin cậy, bạn cần làm những gì bạn nói. Ở môi trường công sở, điều này đồng nghĩa với việc bạn cần nhận thức được năng lực và hạn chế của bản thân để không hứa hẹn quá khả năng cho phép.
- A (Accountability – Trách nhiệm): Bạn biết nhận sai, xin lỗi và sửa đổi.
- V (Vault – Vòm bí mật): Bạn nhận thức được việc cần giữ bí mật những thông tin của người khác.
- I (Integrity – Chính trực): Bạn lựa chọn can đảm thay vì thoải mái. Bạn lựa chọn đúng đắn thay vì vui thú. Bạn thực hành những giá trị mình theo đuổi chứ không chỉ nói suông.
- N (Non-judgment – Không phán xét): Chúng ta có thể chia sẻ khó khăn mình gặp phải và giúp đỡ lẫn nhau mà không phán xét.
- G (Generosity – Hào phóng): Mở rộng góc nhìn của bản thân đối với lời nói, hành động của người khác. Bạn sẽ dễ dàng được tin tưởng nếu người khác biết rằng bạn luôn nhìn thấy những điều tốt đẹp từ họ.
Chủ nghĩa hoàn hảo – Vật cản của phát triển bản thân
Từ thời thơ ấu, nhiều người luôn cố gắng bảo vệ bản thân khỏi những cảm xúc tiêu cực như thất vọng, đau buồn, mất mát… Nhưng để sống và lãnh đạo với lòng dũng cảm, bạn cần phá vỡ những bức tường phòng vệ và nhận thức được bản chất của những suy nghĩ và hành vi thuộc cơ chế phòng vệ.
Một trong những cơ chế phòng vệ phổ biến là chủ nghĩa hoàn hảo. Để trở thành một người lãnh đạo táo bạo, bạn cần hiểu những lầm tưởng xoay quanh chủ nghĩa mang vẻ ngoài “mỹ miều” này. Nhiều người cho rằng theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo sẽ có thể giúp họ đạt được kết quả xuất sắc. Thực chất, những người theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo chỉ đang cố gắng giành lấy sự chấp nhận. Bởi vì, có lẽ họ được nuôi dạy trong môi trường ca ngợi thành tích, ví dụ như học sinh được khen nếu hoàn thành tốt bài tập ở trường.
Để rồi, những người đi theo chủ nghĩa hoàn hảo phát triển một hệ thống niềm tin không mấy lành mạnh: họ móc nối toàn bộ cảm xúc của bản thân vào những thành tích xuất sắc. Niềm tin trên khóa chặt những người cầu toàn vào một khuôn mẫu khiến họ cảm thấy mệt mỏi. Bởi vì, cái họ hướng tới là làm hài lòng người khác, nỗ lực hoàn thiện và chứng tỏ bản thân.
Trái lại, những lãnh đạo có động lực lành mạnh thường tập trung hơn vào bản thân. Họ tìm cách để trở thành phiên bản tốt hơn. Vì vậy, để trở thành một nhà lãnh đạo táo bạo, hãy cởi bỏ lớp áo giáp của chủ nghĩa hoàn hảo và lao vào cuộc chiến. Bạn có thể mắc sai lầm, nhưng đổi lại bạn sẽ nhận được thứ có giá trị hơn: lòng can đảm.
“Dare To Lead” mang đến một góc nhìn mới mẻ và có chiều sâu. Đây sẽ là góc nhìn giúp bạn làm dày thêm thế giới nội tâm của bản thân. Bởi lẽ, một nhà lãnh đạo sẽ khó mà thành công nếu thiếu đi yếu tố cảm xúc. Như tác giả Brené Brown đã khẳng định muốn trở thành người dẫn đầu, xây dựng một tập thể gắn kết và hoạt động hiệu quả, bạn cần một tinh thần cứng cỏi để buông bỏ nỗi sợ thất bại.